Vietnam Real Estate
Đang tải dữ liệu...

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý nhà

  16/07/2007 02:19:04 PM 

Vị trí, chức năng:

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực: nhà ở, công sở, kinh doanh bất động sản, tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Về nhà ở:

1.1. Xây dựng định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cho từng giai đoạn 10 năm, chương trình nhà ở trọng điểm, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hàng năm và theo từng giai đoạn để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

1.2. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và theo từng giai đoạn;

1.3. Hướng dẫn, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở; thẩm định các dự án phát triển nhà ở do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư; hướng dẫn việc huy động vốn để phát triển các loại nhà ở;

1.4. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc; các chương trình, đề án, dự án phát triển nhà ở cho từng nhóm đối tượng cụ thể tại các địa bàn trọng điểm và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;

1.5. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành và địa phương lập Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hàng năm, 05 (năm) năm được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;

1.6. Phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Quy chế quản lý việc sử dụng, vận hành khai thác quỹ nhà ở xã hội và quy định điều kiện tối thiểu về nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền;

1.7. Hướng dẫn và thực hiện việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật;

1.8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn; khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các Chương trình sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

1.9. Phối hợp soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản ý kiến thống nhất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt;

1.10. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở, quy định về tiêu chí phân loại, quy chế quản lý, sử dụng, chế độ bảo hành, bảo trì các loại nhà ở, chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, vận hành nhà chung cư, quản lý, vận hành nhà ở công vụ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chương trình này;

1.11. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ; tổng hợp nhu cầu sử dụng, nhu cầu về vốn xây dựng nhà ở công vụ cho các đối tượng thuộc diện cơ quan Trung ương quản lý thuê; phối hợp với các địa phương xác định quỹ đất xây dựng và phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch vốn xây dựng nhà ở công vụ cho các đối tượng thuộc diện cơ quan Trung ương quản lý thuê từ nguồn ngân sách Trung ương để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

1.12. Tổ chức tạo lập, tiếp nhận, quản lý vận hành, bảo trì, quản lý cho thuê quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ;

1.13. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở công vụ, giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, đối tượng, điều kiện, quy trình lựa chọn đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hướng dẫn việc xác định đối tượng, quy trình bán, cho thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

1.14. Phối hợp với Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các tiêu chí điều tra, thống kê về nhà ở; tổ chức thực hiện công tác điều tra, thống kê về nhà ở phục vụ công tác quản lý nhà nước về nhà ở; tổng hợp, công bố định kỳ năm năm và hàng năm thông tin về nhà ở trên phạm vi cả nước.

2. Về công sở:

2.1. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập, thẩm định quy hoạch phát triển hệ thống công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

2.2. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc lập quy hoạch phát triển công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương;

2.3. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công sở, trụ sở làm việc, công bố tiêu chuẩn quốc gia xây dựng công sở, trụ sở làm việc, quy định về tiêu chí phân loại, chế độ bảo trì công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

2.4. Phối hợp với Cục Công sản thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, soạn thảo để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn việc chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, cho thuê, thuê mua đối với công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước;

2.5. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để phục vụ công tác quản lý nhà nước về công sở.

3. Về thị trường bất động sản:

3.1. Xây dựng định hướng, chiến lược, chính sách phát triển và quản lý thị trường bất động sản để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

3.2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản về xác định cơ cấu hàng hoá, cân đối cung cầu, thực hiện các chính sách, giải pháp điều tiết và bình ổn thị trường; tổ chức xây dựng và công bố định kỳ chỉ số giá bất động sản;

3.3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản khác; hướng dẫn các quy định về bất động sản được đưa vào kinh doanh;

3.4. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, hoạt động chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp;

3.5. Xây dựng trình Bộ ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá bất động sản, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; ban hành mẫu thẻ hành nghề môi giới bất động sản, thẻ hành nghề định giá bất động sản; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý thẻ hành nghề môi giới bất động sản, thẻ hành nghề định giá bất động sản;

3.6. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ bất động sản, mô hình tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản, định giá bất động sản và các dịch vụ bất động sản khác.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nhà ở, công sở và thị trường bất động sản để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được ban hành.

5. Xây dựng và quản lý vận hành cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về nhà ở, công sở và thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc. Hướng dẫn việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở và thị trường bất động sản tại các địa phương.

6. Thực hiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực công tác của Cục.

7. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương, các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

8. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

9. Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản được quyền:

9.1. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương cung cấp những số liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các công tác của Cục;

9.2. Ký một số văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quyết định của pháp luật;

9.3. Được Bộ trưởng ủy quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại Quy chế làm việc của Bộ Xây dựng.

10. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao.

Cơ cấu tổ chức:

1. Các đơn vị trực thuộc:

1.1. Văn phòng;

1.2. Phòng Quản lý nhà ở;

1.3. Phòng Quản lý nhà công sở;

1.4. Phòng Quản lý thị trường bất động sản;

1.5. Phòng Phát triển nhà ở nông thôn;

1.6. Phòng Phát triển nhà ở đô thị;

1.7. Phòng Thông tin - Thống kê;

1.8. Trung tâm Nghiên cứu nhà ở và thị trường bất động sản;

1.9. Ban Quản lý nhà ở công vụ;

1.10. Cơ quan đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Quản lý nhà ở công vụ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và các quy định của pháp luật.

Trung tâm Nghiên cứu nhà ở và thị trường bất động sản là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và các quy định của pháp luật.

Các đơn vị trực thuộc Cục có cấp trưởng, một số cấp phó và các công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp trưởng các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

2. Lãnh đạo Cục:

2.1. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng;

2.2. Cục trưởng và Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng và pháp luật;

2.3. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế của Cục; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục và báo cáo Bộ trưởng;

2.4. Cục trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp phó các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định của Đảng và pháp luật, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

2.5. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.